(HQ Online) – Mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm trong các phiên giao dịch những ngày qua, nhưng theo một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu thì giá trong nước vẫn chưa thể giảm. Liệu có là nghịch lý?
Đang lỗ gần 1000 đồng/lít
Ông Vương Đình Dung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội đã phân tích lí do giá xăng dầu trong nước chưa thể giảm dù giá thế giới liên tục giảm.
Theo tính toán của ông Dung, với mặt hàng xăng A92, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (MIPECO) vẫn lỗ gần 1000 đồng/lít. Từ ngày 1 đến 4-8, DN này vẫn phải nhập giá xăng A92 bình quân 123,26 USD/thùng (mỗi thùng 159 lít).
Cộng thêm với các khoản chi phí khác như thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, Chi phí bán hàng và lợi nhuận theo định mức của Bộ Tài chính, quỹ bình ổn, phí xăng dầu thì giá bán lên tới 21.959,31 đồng/lít. Như vậy, so với giá bán hiện tại là 21.300 đồng/lít, thì DN đang lỗ 659 đồng/lít xăng A92.
Nhưng ông Dung cho rằng chi phí bán hàng và lợi nhuận theo định mức của Bộ Tài chính hiện nay (900 đồng/lít xăng) đã lạc hậu. Bởi lẽ, chi phí thực tế của DN không phải 900 đồng nữa mà đã bị “đội” lên 1.200 đồng. Điều này có nghĩa, nếu tính chi phí thực tế DN đang chi, thì giá bán phải lên tới 22.259,31 đồng/lít. Đồng nghĩa với việc, so với giá bán hiện hành là 21.300 đồng/lít, thì DN đang lỗ 959 đồng/lít xăng A92, chứ không phải chỉ lỗ 659 đồng.
“Chi 900 đồng/lít cũng đã lỗ, chứ không phải 1.200 đồng mới lỗ” – ông Dung nói.
Cũng cách tính như trên với mặt hàng dầu DO, ông Dung cho rằng DN đang lỗ 345,7 đồng/lít (với chi phí bán hàng là 900 đồng), hoặc lỗ 645,7 đồng/lít dầu DO (với chi phí 1.200 đồng).
Nghị định 84 chưa được thực hiện trọn vẹn?
Lí giải về tình trạng giá xăng dầu không thể điều chỉnh tăng giảm theo giá thế giới, ông Dung cho rằng: “Đáng lẽ giá NK được xác định là giá cơ sở để nâng giá bán lẻ trong nước. Nhưng giá bán lẻ lại không theo sự tăng của giá cơ sở. Ví dụ, thời điểm Bộ Tài chính nâng mức giá bán xăng A92 lên 21.300 đồng/lít, thì đúng ra phải điều chỉnh lên 26.000 đồng/lít. Nhưng chúng ta lại chỉ điều chỉnh ở mức 21.300 đồng, thiếu gần 5.000 đồng nữa”.
Vì lí do đó, theo ông Dung, khi xăng dầu thế giới giảm, DN xăng dầu vẫn không thể tiếp tục giảm xuống nữa. “Người tiêu dùng cứ đòi giảm nhưng giảm làm sao được. Với mức điều chỉnh 21.300 đồng, DN đã lỗ rồi; giảm nữa thì DN chết"- ông Dung nói.
Trái ngược với quan điểm của đại diện MIPECO, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội bức xúc: Khi giá dầu thô thế giới tăng lên mức 104 USD/thùng, giá xăng bán trong nước đã được điều chỉnh tăng lên 21.300 đồng/lít. Với mức điều chỉnh này, Chính phủ đảm bảo DN kinh doanh xăng dầu không bị lỗ. Còn nếu tăng mức 26.000 đồng/lít là DN có lãi. Từ thời điểm đó đến nay, giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm mạnh, nhưng giá trong nước lại chưa giảm lần nào. Thậm chí hiện nay, giá dầu thô thế giới chỉ còn trên 80 USD/thùng mà DN vẫn không giảm giá bán, lại còn kêu lỗ là vô lí.
Khi hỏi về việc thực hiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ông Dung cho biết “chưa một giây phút nào thực hiện được Nghị định 84”.
Theo ông Dung, Nghị định 84 chưa được thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn. Nguyên nhân của thực trạng này là do gặp vướng mắc từ chủ trương bình ổn giá để kìm chế lạm phát của Chính phủ.
Trong ngày 8-8, giá xăng A92 tại thị trường Singapore chỉ còn khoảng 114,98- 115 USD/thùng; thấp hơn hẳn so với mức bình quân 123,26 USD/thùng ông Dung đưa ra tính toán. Con số này cũng thấp hơn giá xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore khi giá xăng được điều chỉnh lên 21.300 đồng ngày 29-3 (khi đó giá xăng ở mức 118,71 USD/thùng). Các chuyên gia cho rằng, với tình hình hiện nay, giá xăng dầu hoàn toàn có cơ hội giảm giá.
Tuy nhiên, với những phân tích như của ông Dung thì khả năng các DN chủ động làm văn bản đề xuất kế hoạch giảm giá lúc này dường như là không thể. Điều đó đồng nghĩa với việc hy vọng giảm giá xăng dầu trong nước của người dân lúc này xem như là “nhiệm vụ bất khả thi".
"Nếu giá xăng dầu thế giới diễn biến theo chiều hướng ngược lại, thì thử hỏi các DN có chậm trễ xin tăng giá hay không" - một chuyên gia bức xúc.
Một lần nữa, giới chuyên gia lại đặt ra câu hỏi về sự minh bạch trong cách kinh doanh xăng dầu, còn người tiêu dùng vẫn cứ hoài nghi với thực tế "giá xăng dầu tăng nhanh mà giảm chậm".
Cách tính giá xăng dầu của ông Dung
Giá xăng A92 từ mồng 1 đến 4-8: giá xăng bình quân 123,26 USD/thùng (mỗi thùng 159 lít). Chi phí vận tải từ Singapore về đến Việt Nam 2,3 USD/thùng. Tổng cộng là 125,56 USD/thùng. Quy về tỉ giá 20.680 đồng/USD, thì thành 16.330,05 đồng/lít xăng A92.
Thuế NK A92 hiện nay bằng 0%.
Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.
Thuế VAT 10%.
Quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít.
Quỹ xăng dầu 1000 đồng/lít.
Chi phí bán hàng và lợi nhuận theo định mức của Bộ Tài chính: 900 đồng (nhưng chi phí DN thực chi thời điểm này là 1.200 đồng).
Tổng cộng các yếu tố này, giá bán xăng dầu như sau:
Phương án 1 (chi phí bán hàng 900 đồng): 21.959,31 đồng/lít.
Phương án 2 (chi phí bán hàng 1.200 đồng): 22.259,31 đồng/lít.
Như vậy, theo phương án đầu của Bộ tài chính: 21.959,31 đồng/lít – 21.300 đồng/lít (giá bán hiện hành), DN đã lỗ 659 đồng/lít xăng A92.
Theo chi phí thực tế của DN đang chi: 22.259,31 đồng – 21.300 đồng (giá bán hiện hành) thì DN đang lỗ 959 đồng/lít xăng A92.
|
Lương Bằng